Là công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội, dự án cầu Nhật Tân không chỉ có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị- xã hội. Đây cũng là công trình kiến trúc và cảnh quan đặc biệt, được xem là biểu tượng của Hà Nội. Dưới đây là thông tin tổng quan về dự án cầu Nhật Tân.
Nội dung tóm tắt
1. Giới thiệu về cầu Nhật Tân? Cầu Nhật Tân xây dựng năm nào?
Dự án cầu Nhật Tân được bắt đầu xây dựng từ tháng 3/2009. Đây là một trong những công trình giao thông trọng điểm của Thủ đô Hà Nội. Dự án không chỉ có ý nghĩa lớn về kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị, xã hội quan trọng. Công trình kết nối trung tâm thành phố với các khu công nghiệp ở phía Bắc, đồng thời hoàn thiện tuyến đường vành đai 2 và rút ngắn khoảng cách đến sân bay Quốc tế Nội Bài.
Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu có tổng chiều dài 8,9km, với tổng mức đầu tư hơn 13.600 tỷ đồng, được thiết kế, thi công và giám sát bởi các nhà thầu chính Nhật Bản và sự tham gia của một số nhà thầu Việt Nam.
Phần cầu Nhật Tân bắc qua sông Hồng nối Phú Thượng (Tây Hồ) với Vĩnh Ngọc (Đông Anh, Hà Nội) dài 3,75 km, rộng 33,2 m, bố trí 8 làn xe. Trong đó có cầu chính vượt sông Hồng dài 1,5km là cầu dây văng liên tục nhiều nhịp với 5 trụ tháp tượng trưng cho 5 cửa ô của Thủ đô chào đón bạn bè quốc tế đến với Hà Nội, cũng giống như 5 cánh hoa đào của làng đào Nhật Tân, thể hiện tình hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản.
Cầu Nhật Tân được khánh thành vào ngày 4/1/2015, đồng bộ với đường Nhật Tân – Nội Bài tạo nên một tuyến cao tốc nội đô hiện đại, rút ngắn thời gian di chuyển từ cảng hàng không quốc tế Nội Bài tới trung tâm Hà Nội. Cây cầu được xem là biểu tượng mới của Thủ đô Hà Nội với 5 nhịp dây văng tượng trưng cho 5 cửa ô, và cũng tượng trưng cho 5 cánh hoa đào của làng đào Nhật Tân – Hà Nội.
Do dự án cầu Nhật Tân được xây dựng dưới sự tư vấn thiết kế và giám sát thi công của các đơn vị đến từ Nhật Bản, và cũng vì 5 trụ cầu tượng trưng cho 5 cánh hoa anh đào Nhật Bản, tượng trưng cho mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, nên Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam trong thời điểm đó – ông Hiroshi Fukada – cũng đã đưa ra ý kiến đổi tên cầu thành “cầu hữu nghị Việt – Nhật”.
2. Dự án cầu Nhật Tân có ý nghĩa gì?
Cầu chính Nhật Tân là một trong số rất ít cầu dây văng liên tục nhiều nhịp trên thế giới, ngoài công nghệ thi công cầu dây văng nhiều nhịp thì phần cầu chính còn áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến lần đầu được áp dụng ở Việt Nam như công nghệ hộp neo bằng thép trên trụ tháp, hệ thống quan trắc theo dõi với nhiều thiết bị hiện đại như đo lực căng cáp văng, đo ứng suất cốt thép, dầm thép… Cầu Nhật Tân là cây cầu thứ 6 của Hà Nội vượt sông Hồng và đây cũng là cây cầu hiện đại nhất tính tới thời điểm này.
Kết thúc cầu Nhật Tân phía bờ bên kia sông Hồng là điểm bắt đầu của đường Võ Nguyên Giáp với chiều dài 12,1 km kết nối trung tâm Thủ đô với sân bay Nội Bài, cũng là kết nối tuyến Nhật Tân-Nội Bài với tuyến Bắc Thăng Long-Nội Bài. Tuyến đường Võ Nguyên Giáp có vị trí đặc biệt quan trọng, cùng với các tuyến hướng tâm, nội đô. Tuyến đường góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng, giúp cải thiện giao thông khu vực Bắc Thăng Long-Nội Bài, tạo động lực phát triển kinh tế của vùng.
3. Di chuyển lên cầu Nhật Tân như thế nào?
Bạn có thể di chuyển lên cầu Nhật Tân bằng hai cách (từ phía Tây Hồ sang Đông Anh. Nếu bạn di chuyển theo đường Yên Phụ, Âu Cơ, An Dương Vương có thể đi đến nút giao với tuyến nhánh 1C đi chuyển lên cầu. Nếu đi hướng đường Hoàng Quốc Việt, Lạc Long Quân có thể đến nút giao vành đai 2 với Xuân La để đi lên.
Lưu ý các phương tiện như: Xe kéo, xe súc vật, người đi bộ không được phép đi lên cầu. Còn xe đạp, xe thồ, xe đạp điện được phép hoạt động trong trên cầu trong khung giờ từ 22:00 pm đến 5:00 am.
Trên đây là thông tin tổng quan về dự án cầu Nhật Tân. Bài viết hi vọng đã đem đến tin tức hữu ích cho bạn đọc.