Hiện nay, trên địa bàn thuộc thành phố Hà Nội đang có 7 cây cầu bắc qua sông Hồng. Đó là các cầu: Thăng Long, Nhật Tân, Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Vĩnh Thịnh. Những cây cầu này có vai trò rất lớn trong việc kết nối giao thông hai bên bờ. Hãy cùng điểm qua những thông tin thú vị về các cây cầu này nhé!
Nội dung tóm tắt
Những cây cầu bắc qua sông Hồng
1. Cầu Chương Dương
Những cây cầu bắc qua sông Hồng thuộc địa phận Hà Nội
Cầu Chương Dương là một trong những cây cầu bắc qua sông Hồng, trên quốc lộ 1A tại km170+200, thuộc địa phận thành phố Hà Nội, nối trung tâm quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên.
Cầu Chương Dương được khởi công xây dựng năm 1983. Sau một năm chín tháng, vào ngày 30/6/1985, cầu Chương Dương khánh thành, vượt tiến độ 12 tháng, chấm dứt hoàn toàn cảnh tắc nghẽn trên cầu Long Biên.
Cầu có tổng chiều dài 1.230m gồm 21 nhịp, trong đó có 11 nhịp thép và 10 nhịp bê tông với tải trọng xe 30 tấn. Cầu có 4 làn xe chạy hai chiều, ở giữa có phần cánh gà mỗi bên rộng 5m, phía ngoài cùng có làn đường dành cho xe máy rộng 1,5m. Năm 2002, cầu từng được sửa chữa, gia cố lớn.
Đây là cây cầu lớn lần đầu tiên được thiết kế và thi công tại Việt Nam không cần có sự trợ giúp kỹ thuật của các chuyên gia nước ngoài. Tại cây cầu này các kỹ sư cầu đường của Việt Nam tự thử sức mình để có thể tự thiết kế và thi công các cây cầu lớn khác. Cầu Chương Dương gắn liền với tên tuổi kỹ sư Bùi Danh Lưu, người sau này trở thành Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
Được xây dựng theo quyết định của Hội đồng Bộ Trưởng ngày 22/09/1983, ông Lưu lên ý tưởng làm cầu sắt vĩnh cửu với tốc độ làm cầu treo, trên cơ sở tận dụng vật liệu tái sử dụng là một số thanh thép phục vụ thi công cầu Thăng Long và rất nhiều dầm cầu đường sắt. Để các dầm sắt này phù hợp khổ cầu, ông Lưu đã chỉ đạo “chế sửa” lại theo cách riêng mà trên thế giới chưa từng có.
Sau hơn 30 năm đi vào sử dụng, cầu Chương Dương đóng một vai trò quan trọng đối với giao thông, phát triển kinh tế Thủ đô, cây cầu thậm chí là một biểu tượng trong lòng nhiều người dân Hà Nội.
2. Cầu Vĩnh Tuy
Cầu Vĩnh Tuy là một cây cầu bắc qua sông Hồng, phía đầu cầu bên trung tâm Hà Nội nằm ở địa phận phường Vĩnh Tuy, thành phố Hà Nội, nối quận Hai Bà Trưng và quận Long Biên.
Cầu Vĩnh Tuy là một trong những công trình trọng điểm của thành phố nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Công trình có mức đầu tư với kinh phí gần 3.600 tỷ đồng được khánh thành năm 2010.
Cầu có tổng chiều dài là 5.830m, trong đó phần cầu chính vượt sông dài 3.778m. Mặt cầu Vĩnh Tuy hiện rộng 19,25m, đã được quy hoạch mở rộng trong giai đoạn hai là 38m, trở thành cầu rộng nhất Việt Nam. Cầu được kết cấu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực gồm 77 nhịp, phần cầu chính được bố trí chuỗi nhịp dài 990m, đặt trên 2 mố và 76 trụ, trong đó 6 nhịp thông thuyền giữa sông dài 135m/nhịp.
Cầu Vĩnh Tuy là cây cầu rộng nhất Việt Nam, đạt kỷ lục về chiều dài nhịp đúc hẫng của Việt Nam. Mặt cắt ngang của các tuyến đường chính hai đầu cầu rộng 60m (đây cũng là khổ cầu bê tông lớn nhất hiện nay tại Việt Nam). Khi đi vào hoạt động, cầu Vĩnh Tuy góp phần hoàn chỉnh quy hoạch đường vành đai 2 của Hà Nội, là tuyến giao thông huyết mạch của Thủ đô.
Đồng thời, góp phần rút ngắn lộ trình từ trung tâm thành phố ra quốc lộ 5 đi Hải Phòng, Quảng Ninh khoảng 3km, giảm tải cho cầu Chương Dương và Long Biên.
3. Cầu Long Biên
Những cây cầu bắc qua sông Hồng thuộc địa phận Hà Nội
➤ Xem thêm: Cầu sông Hàn quay lúc mấy giờ? Khám phá những cây cầu đẹp nhất ở Đà Nẵng
Cầu Long Biên là cây cầu bắc qua sông Hồng nối quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của Hà Nội. Cầu do Pháp xây dựng từ 1898 đến 1902, thời đó đặt tên là cầu Doumer – tên của viên toàn quyền của Chính phủ Pháp ở Đông Dương lúc đó. Đây là cây cầu bắc qua sông Hồng, cầu thép, cầu dài nhất đầu tiên ở Việt Nam.
Cầu có chiều dài 2.290m qua sông và 896m cầu dẫn, gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ cao hơn 40m và đường dẫn được xây bằng đá. Cầu dành cho đường sắt đơn chạy ở giữa, hai bên là làn đường dành cho xe cơ giới và đường đi bộ. Đường cho các loại xe là 2,6 m và luồng đi bộ là 0,4 m. Đặc biệt, luồng giao thông của cầu theo hướng đi xuôi ở phía trái cầu chứ không ở bên phải như các cầu thông thường khác.
Trải qua nhiều năm, cầu Long Biên được xem như là một chứng nhân lịch sử quan trọng của nhiều giai đoạn, cũng là chiếc cầu lưu giữ ký ức, một phần hồn của Hà Nội, của người Hà Nội.
4. Cầu Thanh Trì
Cầu Thanh Trì là cây cầu lớn nhất trong dự án 7 cây cầu của Hà Nội bắc qua sông Hồng. Cây cầu này nối liền quận Hoàng Mai với quận Long Biên, bắt đầu từ điểm cắt quốc lộ 1A tại Pháp Vân (Hoàng Mai), cắt đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng tại Thạch Bàn, Long Biên, điểm cuối cắt quốc lộ 5 tại Sài Đồng (Long Biên).
Cầu chính dài 3.084 m với tổng chiều dài hơn 12.00 m, rộng 33,10m với 6 làn xe chạy, trong đó có 4 làn xe cao tốc với tốc độ cho phép 100 km/h.
Cầu được xây dựng từ vốn ODA của Nhật Bản với giá đấu thầu là 1.395,46 tỷ đồng. Cầu Thanh Trì có kết cấu đồ sộ. Các nhà thầu đã phải xây dựng 52 trụ cầu kép và 2 mố cầu, ngay khi được đưa vào sử dụng, cầu Thanh Trì đã phát huy được hiệu quả kinh tế – xã hội cao; góp phần cơ bản giải quyết ách tắc giao thông tại thủ đô Hà Nội.
Cầu Thanh Trì được coi là dự án cầu lớn nhất Đông Dương hiện nay. Đây là một trong những cây cầu bê tông cốt thép dự ứng lực dài và rộng nhất Việt Nam, đồng thời cũng là công trình cầu được thi công với nhiều ứng dụng công nghệ mới.
5. Cầu Thăng Long
Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng tại vị trí km6+300, trên quốc lộ Nam Thăng Long, con đường nối sân bay quốc tế Nội Bài với trung tâm Hà Nội. Cầu được xem là công trình thế kỷ của tình hữu nghị Việt – Xô.
Cầu Thăng Long xây dựng từ 1974 đến 1985 với mục đích kết nối 2 bờ sông Hồng, vốn ở thời điểm lúc đó mới chỉ có mỗi cầu Long Biên đang quá tải đồng thời nhằm mục đích phát triển Hà Nội về phía Xuân Hòa.
Cầu có chiều dài 3250m, gồm 2 tầng với 25 nhịp cầu chính và 46 nhịp cầu đường dẫn của đường sắt và đường xe thô sơ. Tầng phía trên là cầu đường bộ, dành cho các xe cơ giới, bề rộng 21m. Tầng dưới có 2 làn cầu riêng biệt, rộng 3,5m. Phần giữa tầng một là đường dành cho tàu hỏa chạy tuyến Văn Điển – Bắc Hồng và xe máy, xe đạp rộng 11m.
6. Cầu Nhật Tân
Những cây cầu bắc qua sông Hồng thuộc địa phận Hà Nội
Cầu Nhật Tân là một trong tổng số 7 cầu bắc qua sông Hồng đoạn Hà Nội, nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh. Cây cầu được xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 13.626 tỷ đồng, gồm vốn vay từ cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản – JICA và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Cầu được khánh thành vào tháng 1/2015, được xem là cầu dây văng đầu tiên của Hà Nội với tổng chiều dài gồm đường dẫn là 8.900m, phần chính cầu dài 1.500m. Sáu nhịp dây văng kết hợp cùng 5 trụ tháp hình thoi – tượng trưng cho 5 cửa ô. Mặt cầu rộng 33,2m với 8 làn xe cho cả hai chiều, chia thành 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe buýt, 2 dải hỗn hợp, phân cách giữa, đường dành cho người đi bộ.
Cầu Nhật Tân được khánh thành đồng bộ với đường Nhật Tân – Nội Bài tạo nên một tuyến cao tốc hiện đại, rút ngắn gần một nửa thời gian di chuyển từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài tới trung tâm Hà Nội. Cầu Nhật Tân là biểu tượng của Thủ đô trong thời kỳ hội nhập và phát triển, đồng thời là công trình ghi dấu ấn cho mối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản.
7. Cầu Vĩnh Thịnh
Cầu Vĩnh Thịnh là cây cầu nối thị xã Sơn Tây với huyện Vĩnh Tường thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Điểm đầu của dự án tại nút giao Quốc lộ 32 với tuyến tránh Sơn Tây. Điểm cuối vượt qua đê tả sông Hồng khoảng 200m và kết nối với Quốc lộ 2C. Cầu có tổng mức đầu tư 137 triệu USD được đầu tư từ vốn ODA của Hàn Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam.
Phần cầu dài 4.480m, là cầu vượt sông Hồng dài nhất, kết nối 2 trục hướng tâm Quốc lộ 32 và Quốc lộ 2, kết nối trung tâm Thủ đô với các tỉnh phía Tây Bắc như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang…
Cầu được khánh thành vào tháng 6/2014, Vĩnh Thịnh là cầu vượt sông dài nhất Việt Nam từ trước đến nay. Đây là một trong 3 tuyến vành đai quan trọng thuộc quy hoạch phát triển giao thông vận tải và quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Trước đây các phương tiện phải đi phà Vĩnh Thịnh, tuyến huyết mạch giao thông chính nối Sơn Tây (Hà Nội) và Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc).
Tổng hợp